2010 sẽ cấm thuốc lá tại tất cả nơi công cộng trong nhà


Từ năm 2010 sẽ cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà như: nhà trẻ, lớp học, rạp chiếu phim... Đây là một phần nội dung kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Cũng theo kế hoạch này, từ 1/1/2010, nghiêm cấm hút thuốc lá ở các cơ sở y tế, thư viện, rạp, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Việt Nam sẽ từng bước hoàn thiện các quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tiến tới cấm hút thuốc lá tại tất cả những nơi công cộng trong nhà vào năm 2010. Đồng thời, thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Ngoài ra, khâu lưu thông thuốc lá từ bán buôn đến bán lẻ sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Sau năm 2010 việc bán lẻ thuốc lá chỉ được thực hiện tại các địa điểm theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên có một thực tế là, năm 2005, Việt Nam đã có nghị định 45 quy định xử phạt hành chính những hành vi hút thuốc lá nơi cộng cộng. Nhưng từ đó đến nay, quy định này vẫn bị thả nổi, không được thực hiện một cách triệt để. Nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc, thậm chí là ngay dưới biển cấm. Một trong những lý do được nhiều chuyên gia đưa ra là chế tại xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

(Theo Chinhphu.vn)
Read More..

Khói thuốc lá tràn ngập học đường

Vừa gọi xong 4 cốc trà nóng, một nam sinh vội vớ lấy điếu cày để dưới chân ghế, ve ve điếu thuốc, rồi châm lửa...

Sáng 30/12, tranh thủ giờ giải lao, nhóm sinh viên CĐ Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội (phố Hai Bà Trưng) kéo nhau ra quán nước ngay sát cổng trường. Vừa gọi xong 4 cốc trà nóng, một nam sinh vội vớ lấy chiếc điếu cày để dưới chân ghế, ve ve điếu thuốc, nhét vào nõ rồi châm bật lửa ga. Khẽ rít một hơi, cậu thở ra rồi ngửa mặt lên trời phả ra làn khói trắng.

Cách đó chừng vài mét, một đám học sinh mặc đồng phục mang phù hiệu của THPT DL Văn Hiến cũng túm tụm ngồi uống trà, truyền tay nhau những điếu thuốc hút dở... Theo lời một nam sinh, hết mỗi tiết là cả nhóm lại kéo nhau ra "bắn điếu thuốc cho ấm người" vì hút trong trường dễ bị thầy cô phát hiện.


Học sinh THPT DL Văn Hiến hút thuốc trước cổng trường. Ảnh: Tiến Dũng.

Không chỉ hút bên ngoài trường mà hiện nhiều học sinh, sinh viên cũng vẫn có thể thoải mái hút thuốc lá ngay trong khuôn viên trường học. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, những ngày giá rét này, các căng tin luôn đông nghịt sinh viên, cùng với đó là khói thuốc lá nồng nặc. Nhấp xong ngụm trà nóng bỏng lưỡi, Hải, sinh viên ngành công nghệ thông tin, rít một hơi thuốc lá rồi chép miệng: "Biết là thuốc lá có hại nhưng ngồi máy tính, nhất là vào ban đêm, hút vài điếu cho đỡ buồn rồi bỗng thành nghiện lúc nào không hay. Giờ bỏ thì hơi khó".

Dù tình trạng hút thuốc lá gia tăng mạnh trong giới học sinh, sinh viên, nhưng hiện các trường vẫn chưa có biện pháp nào xử lý dứt điểm.

Sáng 31/12, trao đổi với VnExpress.net, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT DL Đinh Tiên Hoàng cho hay, trước đây trường cũng đã cấm học sinh hút thuốc và cử đội sao đỏ, giáo viên chủ nhiệm giám sát việc này nhưng nhiều em vẫn nghĩ ra các chiêu để lén lút hút thuốc.

"Các em ngồi quán nước hút thuốc, thoáng thấy thầy cô tới là ra hiệu nhau 'Cảnh sát đến'. Hoặc có những em lén vào nhà vệ sinh, chốt cửa lại để hút thuốc. Những cách đối phó này rất khó kiểm soát", thầy Lâm cho biết thêm.

Theo thầy Lâm, sắp tới, trường sẽ thảo luận lại biện pháp xử lý và yêu cầu học sinh, phụ huynh cùng cam kết không hút thuốc lá. Biện pháp xử lý mạnh tay nhất của trường cũng chỉ là việc nâng mức học phí.

"Tôi thấy, chúng ta cần phải học cách làm của nước ngoài. Đó là xử phạt nặng những người bán thuốc lá bởi ở nước ta, mọi người cứ tranh thủ bán được càng nhiều càng tốt, không cần quan tâm đến việc các em đã đủ 18 tuổi hay chưa...", thầy giáo Lâm đề xuất.


Học sinh THPT DL Đinh Tiên Hoàng hút thuốc ở quán nước cạnh cổng trường. Ảnh: Tiến Dũng.

Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT, từ ngày 1/1/2010 nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nơi làm việc trong nhà tại các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.

Hành lang, lớp học, phòng họp, phòng làm việc... tại các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục đều phải treo biển hoặc biểu tượng "Cấm hút thuốc lá". Việc bán thuốc lá tại những nơi này bị nghiêm cấm.

Trong khi đó, theo kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá do Thủ tướng phê duyệt, từ năm 2010, nghiêm cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng trong nhà như lớp học, nhà trẻ, bệnh viện, thư viện, phương tiện công cộng. Những người vi phạm sẽ bị nhắc nhở, xử phạt...
Theo VnExpress
Read More..

Không bao giờ là quá muộn

"Rằng cuộc sống có những cách giải quyết vấn đề rất kỳ diệu (và bí ẩn). Tôi nhận ra rằng phương châm sống mà tôi vẫn làm theo suốt cả cuộc đời – là giấc mơ chính là thứ để dựng nên thực tế, và đừng bao giờ bỏ cuộc, bởi không bao giờ là quá muộn – đã là đúng đắn... "
Ở tuổi 17, giống như rất nhiều cô gái trẻ khác, tôi bị mê hoặc bởi một cô tiếp viên hàng không trên chuyến bay tới châu Âu. Cô ấy, đối với tôi, như thể một nữ thần. Tôi không thể rời mắt khỏi cô: tôi nhìn cô thực hiện các trách nhiệm của mình, trang phục hoàn hảo, tóc búi gọn, móng tay sạch sẽ.

Tôi ở châu Âu 3 tuần và tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới là chuyến bay về nhà, để lại được nhìn thấy một cô tiếp viên hàng không nữa. Ở tuổi 19, tôi học đại học năm thứ hai và không chắc nên chọn chuyên ngành nào.

Tôi ghi danh vào ngành Khoa học Nhân văn, nhưng không hứng thú lắm. Sâu thẳm trong tim mình, tôi vẫn mong được trở thành giống như cô tiếp viên hàng không mà tôi nhìn thấy hai năm trước.

Tôi quyết định nộp đơn vào ngành hàng không. Tôi theo đuổi quá trình khó nhọc này suốt 3 năm, mà hồi đó còn không có máy tính, không có e-mail.

Tất cả giấy tờ đều được ghi bằng tay và chuyển bằng bưu điện.

Nhưng rồi từng lá thư gửi đến, nói rằng họ cảm ơn nhưng rất tiếc phải thông báo rằng họ đã tìm được người khác phù hợp. Năm này qua năm khác, tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ, cho đến khi, cuối cùng, tôi nhận ra rằng hẳn tôi phải thiếu một điều gì đó khiến tôi không được nhận.

Đó đúng là một thực tế đáng thất vọng. Tôi ngừng gửi các bản đăng ký và đẩy đam mê sâu sắc của mình vào sâu trong lòng, đi tiếp với cuộc sống của mình, mà không có các hãng hàng không.

Sự nghiệp của tôi suốt nhiều năm sau đó đều có liên quan tới một ngành: dịch vụ khách hàng. Dù là một nhân viên lễ tân hay ở cấp bậc quản lý, tôi luôn là người đối diện với công chúng.

Tôi sinh đôi hai cậu con trai, rồi sinh đứa con thứ ba. Một năm sau đó, tôi ly dị. Cuộc sống rất khó khăn. Tôi tuyệt vọng về tài chính, ngập trong những trách nhiệm, mà chỉ có ba cậu con trai mới giúp tôi vượt qua được.

Trong suốt thời gian đó, niềm đam mê được bay vẫn luôn bám đuổi tôi. Nhưng vai trò của người làm mẹ vẫn được đặt lên trước. Ba đứa con là cuộc sống của tôi, và tôi cứ tiếp tục như vậy. Chúng lớn lên, tốt nghiệp trung học và vào đại học. Khi con út của tôi sắp tốt nghiệp trung học cũng là lúc tôi thất nghiệp.

Một thời gian sau đó, tôi xem chương trình TV tên là “Hàng không”, nói về một nữ tiếp viên hàng không là goá phụ 50 tuổi, tên là Billy, sống một mình vì các con đều đã lớn và ra ở riêng. Bà ấy nói bà ấy thích tiếp xúc với con người. Bà đọc một quảng cáo là hãng hàng không Southwest tuyển tiếp viên nên quyết định đến xem có những vị trí nào. Sau một quá trình tuyển dụng vất vả, thật ngạc nhiên, bà được nhận và tham gia luyện tập. Billy tỏ ra rất phấn khởi. Và ước mơ của tôi lại trỗi dậy.

Tôi theo đuổi một hãng hàng không ở địa phương để không phải chuyển nhà. Phải ba tháng sau đó hãng hàng không này mới mở chi nhánh ở chỗ tôi, nhưng tôi luôn sẵn sàng. Cho dù họ thuyết phục tôi rằng nghề này rất cực nhọc, tôi cũng không quan tâm.

Ba tuần tập huấn bao gồm một khối lượng kiến thức khổng lồ (mà tôi đã nghiên cứu suốt 30 năm), thi, tập sơ tán, và nhìn những người học cùng lớp mình bị mời về vì không đủ tiêu chuẩn. Vào tháng Tư, tôi thi kỳ thi cuối cùng và vượt qua. Tất cả những gì tôi có thể nghĩ được lúc nhận bằng tốt nghiệp khoá huấn luyện là công sức tôi học tập và theo đuổi ngành hàng không suốt 30 năm không phải là uổng phí.

Rằng cuộc sống có những cách giải quyết vấn đề rất kỳ diệu (và bí ẩn). Tôi nhận ra rằng phương châm sống mà tôi vẫn làm theo suốt cả cuộc đời – là giấc mơ chính là thứ để dựng nên thực tế, và đừng bao giờ bỏ cuộc, bởi không bao giờ là quá muộn – đã là đúng đắn.

Cho đến nay, dù đã hơn 50 tuổi, tôi vẫn là một tiếp viên hàng không và tôi yêu thích từng phút trong công việc của mình, trong suốt 5 năm qua.

Có một lần, khi tôi hạ cánh xuống sân bay quê nhà ở Detroit, ba cậu con trai của tôi đứng sẵn đợi mẹ, mỗi đứa cầm một bông hồng đỏ. Chúng nói rằng chúng muốn cho tôi thấy tình yêu và sự ủng hộ của chúng đối với một phụ nữ đã chấp nhận rủi ro và thử thách để theo đuổi mơ ước của mình (ở tuổi 50), một người tin rằng mình đủ mạnh mẽ để thử, để được khoác vào người bộ đồng phục mà mình đã đợi cả cuộc đời.
(SVVN)
Read More..

Những sai lầm của sinh viên khi tìm việc

Yếu kỹ năng, thiếu tự tin và ứng xử vụng về đều dễ làm bạn trẻ mất điểm trước nhà tuyển dụng. Không tự lượng sức mình, tham vọng quá cao cũng là những sai lầm mà ứng viên trẻ thường mắc phải.



Chưa biết cách ứng xử, thiếu tự tin

Bà Trần Thị Bích Nga, Trưởng Phòng Nghiệp vụ ứng viên Công ty Tư vấn và Phát triển nguồn nhân lực L&A, đã liệt kê những sai lầm thường gặp trong ứng xử của ứng viên.

Đó là trang phục không phù hợp, ngồi đung đưa chân, đảo mắt liên tục khi trả lời người phỏng vấn, đến muộn giờ phỏng vấn, tay vân vê gấu áo khi trả lời câu hỏi, mắt nhìn xuống...

Những lỗi nhỏ đó đủ để người tuyển dụng đánh giá không hay về văn hóa ứng xử cá nhân, tính cách của ứng viên.

Theo bà Lê Thị Kim Thư, quyền Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thiên Hòa, nhiều bạn trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng khi ứng tuyển lại hay đòi ở những vị trí cao so với khả năng hoặc đưa ra một mức lương mà công ty khó có thể chấp nhận được. Điều này khiến ứng viên mất khá nhiều điểm.

Bộ hồ sơ không ấn tượng

Về phần mình, nhiều ứng viên tự nhận thấy sai lầm của họ là chưa quan tâm đúng mức đến bộ hồ sơ. Bạn Nguyễn Thu Hồng, tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh - xuất nhập khẩu, tâm sự: “Qua thông tin trên báo chí, thấy nhu cầu tuyển dụng của công ty nào phù hợp thì em chuẩn bị đúng những thứ mà họ yêu cầu rồi nộp vào, hoàn toàn không biết cách làm sao để có được một bộ hồ sơ ấn tượng và hoàn chỉnh”.

Ngay cả việc nộp ảnh cho doanh nghiệp, nhiều bạn lại cho rằng nên nộp những bức ảnh chân dung ấn tượng nhằm gây chú ý ở nhà tuyển dụng. Điều này tất nhiên là sai lầm, vì bạn có thể tạo ấn tượng qua đơn xin việc, lý lịch hay ngay trong buổi phỏng vấn chứ không thể tạo ấn tượng qua tấm ảnh thẻ.

Nguyễn Thị Thanh Ngọc, sinh viên năm cuối ngành quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Trong thời gian thực tập, đôi lúc em rất cần lưu hồ sơ công việc nhưng không biết cách lưu cho khoa học. Chỉ có thế thôi, em đã thấy mình thiếu tự tin khi đi phỏng vấn tìm việc”.

Định hướng nghề nghiệp không rõ ràng

Ông N.T.D, giám đốc nhân sự một công ty nước ngoài chuyên về dược phẩm, nhận định: “Lao động trẻ thiếu và yếu về ngoại ngữ cũng như sự tự tin trong giao tiếp. Quan trọng hơn là họ chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đại đa số có tư tưởng xin việc vì quyền lợi bản thân chứ chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết và sống chết vì nó…”

Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng phát triển, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, làm sao có thể bảo đảm yếu tố gắn bó ở người lao động. Các doanh nghiệp sẽ không tuyển bạn nếu không nhìn thấy ở bạn niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp.

Không biết cách nói về mình

Khi được hỏi câu: “Tell me about yourself” (Hãy nói về bản thân bạn), rất nhiều bạn trẻ đã trả lời thật thà về tên, tuổi, quê quán,… mà không nghĩ rằng thực chất nhà tuyển dụng đang muốn nghe về những sở trường của bạn, những hoạt động mà bạn đã từng kinh qua,…

Một lợi thế của sinh viên là họ ham học hỏi, có tinh thần cầu tiến và lĩnh hội nhanh công việc được giao. Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm cũng là những yếu tố mà doanh nghiệp hiện nay đang rất cần trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.

Ngoài ra, yếu tố sức khỏe, chấp nhận đi xa cũng như dễ hòa nhập đã trở thành điểm mạnh nổi trội ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, sinh viên nên tận dụng và phát huy tối đa những thế mạnh của mình để nâng cao vị thế cạnh tranh trong tìm việc.

Họ cần tham gia các lớp kỹ năng tìm việc, các hoạt động xã hội, buổi nói chuyện chuyên đề để có thể giao tiếp tự tin và làm hồ sơ chuyên nghiệp hơn.

Khi phỏng vấn cho một công việc mới, bạn phải có sự chuẩn bị lại từ đầu. Vì sao? Không có công việc nào giống công việc nào. Và văn hóa các công ty cũng không giống nhau.

Điều cần lưu ý là bạn phải tìm hiểu hướng phát triển nghề nghiệp của công việc và văn hóa, giá trị của công ty mà mình dự phỏng vấn cũng như cơ cấu tổ chức và hoạt động của nó. Nên có minh chứng cho những câu hỏi giải quyết tình huống và tập cách trả lời tập trung, ngắn gọn, súc tích.

Tuy nhiên, để có được việc làm như ý, lao động trẻ còn phải học hỏi và bổ sung thật nhiều những kiến thức, kỹ năng và các tố chất cần thiết khác...

Theo Người Lao Động
Read More..

Những thí sinh thi ĐH... cho vui

Một nữ sinh bật cửa xe hơi bước ra đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM), dáng đỏng đảnh, tóc xen nhát vàng nhát bạc. “Mày đợi tao ít hôm là về, chỉ đi thi cho có lệ, luôn tiện ghé sắm ít đồ. Sẽ có quà cho mày...” - thí sinh reo lên trong điện thoại với bạn.

Chiếc xe chở nữ sinh này nối đuôi vào hàng dài những xe hơi sang trọng đứng đợi các “công tử, tiểu thư” thi ĐH ở điểm thi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thí sinh này cho biết tên X, có bố thuộc dạng “đại gia” ở ngành xây dựng tỉnh Khánh Hòa. Không như những thí sinh khác có người thân đưa đi thi, thí sinh X một mình thuê hẳn xe hơi vào TPHCM ăn ở tại một khách sạn hạng sang ở quận 3.

“Liên tục trong năm học lớp 12, bố em chỉ mong em thi vào ngành tài chính - ngân hàng của Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Hôm nay em đi thi cho bố em vừa lòng chứ em đâu muốn đi học nữa, cũng chẳng thích làm gì cả” - thí sinh X cho biết.
"Cặp thí sinh" tại Trường đại học Công nghiệp TPHCM chiều 3/7

Chiều 3/7, ngay trước khuôn viên hành chính Trường Đại học Công nghiệp TPHCM xuất hiện nhiều “cặp thí sinh”. Thay vì các thí sinh khác đang phải tất bật ôn bài hoặc nghỉ ngơi lấy sức cho ngày mai bước vào cuộc thi thì những “cặp thí sinh” này lại tranh thủ tay trong tay kéo nhau ra ngồi ngay trong khuôn viên trường và thản nhiên âu yếm, ôm nhau như giữa chốn không người.

Một “cặp thí sinh” cho biết ở Bình Phước, học chung trường, cùng xuống xin ở trọ ký túc xá trong trường để thi đại học. Đây là dịp đầu tiên hai bạn cùng hẹn gặp nhau đi xa gia đình.

Không biết kỳ thi đại học năm nay những thí sinh này sẽ ra sao nhưng chắc rằng nơi quê nhà gia đình vẫn kỳ vọng rằng con em mình sẽ đạt kết quả tốt. Còn nhớ kỳ thi đại học năm 2008, khi báo chí đưa tin có 3 thí sinh đi thi đại học bị mất tích, nhiều người không khỏi giật mình lo lắng. Thế nhưng sau đó các thí sinh bị mất tích này lại trở về nhà và cho biết thực tế là không đến trường thi, chỉ mượn cớ thi đại học để hẹn hò đi chơi với bạn bè...


Pháp luật TPHCM

Read More..

Powered by Blogger